Visa J1 Mỹ mở ra những cơ hội trải nghiệm văn hóa, học tập và làm việc tại đất nước cờ hoa, đã và đang thu hút sự quan tâm của đông đảo bạn trẻ trên toàn thế giới. Được thiết kế nhằm thúc đẩy giao lưu văn hóa, giáo dục và kinh tế giữa Hoa Kỳ và các quốc gia khác, visa J1 không chỉ là một tấm giấy thông hành mà còn là một bước đệm quan trọng cho sự phát triển bản thân.
Chương trình giao lưu văn hóa Mỹ với visa J1
Visa Mỹ J1 là gì?
Visa Mỹ J1 là loại visa KHÔNG ĐỊNH CƯ được cấp bởi chính phủ Hoa Kỳ, dành cho những cá nhân muốn đến Mỹ để tham gia các chương trình trao đổi văn hóa, giáo dục hoặc đào tạo. Đặc biệt, thị thực này rất phổ biến đối với các học giả, giáo sư và những người muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực y tế hoặc kinh doanh. Để đủ điều kiện xin visa J1, ứng viên cần đáp ứng các yêu cầu về trình độ học vấn, tiếng Anh và được tài trợ bởi một tổ chức uy tín như trường đại học, công ty tư nhân hoặc chương trình của chính phủ.
Một điểm đặc biệt của visa J1 Mỹ là quy định về NGHĨA VỤ QUAY TRỞ LẠI NƯỚC NHÀ sau khi kết thúc chương trình. Điều này nhằm đảm bảo rằng những kiến thức và kinh nghiệm thu được tại Mỹ sẽ được ứng dụng và chia sẻ tại quê hương. Theo thống kê của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, nhu cầu xin visa J1 ngày càng tăng.
Visa J1 và nghĩa vụ quay trở lại phục vụ quê nhà
Trong năm tài chính 2023, số lượng J-1 visa được cấp đã đạt con số ấn tượng với 316.693, với tỷ lệ chấp thuận cao 88,5%. Điều này cho thấy visa J-1 đang ngày càng trở thành một lựa chọn hấp dẫn cho những ai muốn trải nghiệm cuộc sống và học tập tại Mỹ.
Ưu điểm visa J1 Mỹ
Visa J1 đang trở thành lựa chọn hàng đầu của nhiều bạn trẻ Việt Nam khi muốn du học và trải nghiệm cuộc sống tại Mỹ. Những ưu điểm nổi bật bao gồm:
Bảng 1: Ưu điểm visa J1 Mỹ
Ưu điểm của visa J1 | Giải thích chi tiết |
Không cần chứng minh tài chính | Không cần chứng minh tài chính khắt khe. |
Chi phí hợp lý | So với các loại visa khác, chi phí làm visa J1 đi Mỹ thường thấp hơn. |
Tỷ lệ đậu cao | Tỷ lệ cạnh tranh của visa thường không quá cao cộng với quy trình xét duyệt tương đối đơn giản, cơ hội đậu visa J1 của bạn sẽ cao hơn so với các loại visa khác. |
Học hỏi | Sống tại Mỹ giúp bạn nâng cao trình độ tiếng Anh nhanh chóng và cũng như mở ra cơ hội học tập và làm việc để tích lũy kinh nghiệm. |
Mở rộng mối quan hệ | Được làm việc, học tập cùng với các đồng nghiệp và bạn học từ khắp nơi trên thế giới, bạn sẽ có nhiều cơ hội giao lưu ở môi trường đa văn hoá và mở rộng mạng lưới quan hệ của mình. |
Quyền lợi visa Mỹ J1
Bên cạnh những ưu điểm kể trên, visa J1 đi Mỹ còn mang đến những quyền lợi hấp dẫn nào?
Visa J1 đi Mỹ bao gồm những quyền lợi hấp dẫn nào?
Đoàn tụ gia đình
Visa không chỉ là cơ hội cho cá nhân người sở hữu mà còn tạo điều kiện thuận lợi để cả gia đình cùng nhau trải nghiệm cuộc sống tại Mỹ. Vợ/chồng và con cái chưa kết hôn (dưới 21 tuổi) của người sở hữu visa J1 có thể xin visa J2 để đi cùng.
Cơ hội định cư
Hơn nữa, visa J1 cũng là bước đệm để khám phá các con đường định cư tại Mỹ thông qua việc kết hôn với một công dân Mỹ hoặc tìm kiếm cơ hội việc làm để chuyển đổi sang các diện visa định cư như EB3.
Đối tượng và điều kiện xin visa Mỹ J1
Visa J1 có thể là lựa chọn hoàn hảo cho bạn! Loại visa này thường dành cho những người muốn tham gia các chương trình thực tập hoặc trao đổi ngắn hạn. Hãy tham khảo bảng dưới đây để khám phá xem mình có nằm trong danh sách những người được cấp J1 visa không nhé!
1. Học sinh & sinh viên
Visa J1 tạo điều kiện cho sinh viên có cơ hội phát triển tại Hoa Kỳ
Chương trình visa J1 giao lưu văn hoá Mỹ dành cho sinh viên (College and University Students) nhằm tạo điều kiện cho sinh viên quốc tế có cơ hội học tập và phát triển nghề nghiệp tại Hoa Kỳ, đồng thời trao đổi văn hóa giữa các quốc gia.
Bảng 2: Nhóm đối tượng học sinh & sinh viên
Tiêu chí | Mô tả |
Điều kiện chuyến đi | Sinh viên phải được nhận vào một chương trình học tại Hoa Kỳ và không chủ yếu dựa vào tài chính cá nhân hoặc gia đình để chi trả cho học phí, sinh hoạt phí khi học tập tại Hoa Kỳ mà nhận tài trợ từ các nguồn khác như học bổng. |
Vị trí công tác tại quốc gia gốc | Đang theo học tại cơ sở giáo dục sau trung học bên ngoài nước Mỹ. |
Thời gian tạm trú | Dựa trên thời gian của chương trình học hoặc 24 tháng cho sinh viên còn đang theo học tại trường (chưa có bằng cấp). |
Tham gia lại | Có thể tham gia lại. |
2. Thực tập sinh
Sinh viên tham gia thực tập theo chương trình đào tạo
Thực tập sinh (Intern) thường là sinh viên hoặc người mới tốt nghiệp từ các trường đại học hoặc cao đẳng, thường trong độ tuổi từ 18 đến dưới 35.
Bảng 3: Nhóm thực tập sinh
Tiêu chí | Mô tả |
Điều kiện chuyến đi | Tham gia chương trình thực tập theo cấu trúc trong chương trình đào tạo của sinh viên. |
Vị trí công tác tại quốc gia gốc | Đang theo học tại đại học hoặc cao đẳng ngoài Mỹ hoặc tốt nghiệp trong vòng 12 tháng tính từ ngày bắt đầu chương trình. |
Thời gian tạm trú | 3 tuần – 12 tháng. |
Tham gia lại | Có thể tiếp tục tham gia ở cấp độ học vấn cao hơn như thạc sĩ hoặc tiến sĩ. |
3. Du lịch và làm việc mùa hè
SWT cho phép sinh viên đến Hoa Kỳ làm việc thời gian nghỉ hè
Nhóm đối tượng du lịch và làm việc mùa hè (Summer Work Travel hay SWT) trong chương trình visa J1 là những sinh viên đại học và cao đẳng (thường từ 18 đến dưới 35 tuổi) từ nước ngoài đến Hoa Kỳ để làm việc tạm thời trong thời gian nghỉ hè.
Bảng 4: Nhóm đối tượng học sinh & sinh viên
Tiêu chí | Mô tả |
Điều kiện chuyến đi | Sinh viên quốc tế đến trải nghiệm văn hóa Hoa Kỳ trong khi làm việc tại các công việc tạm thời (không cần kỹ năng) phải là sinh viên toàn thời gian (đăng ký tối thiểu 12 tín chỉ/kỳ) tại một trường cao đẳng hoặc đại học được công nhận ở ngoài Hoa Kỳ và đã hoàn thành ít nhất một học kỳ học tập chính thức. |
Vị trí công tác tại quốc gia gốc | Sinh viên đang theo học tại một trường đại học hoặc cao đẳng ngoài Hoa Kỳ (bao gồm cả sinh viên năm cuối). |
Thời gian tạm trú | Thường rơi vào khoảng 4 tháng hoặc có thể lên đến 12 tháng cho một số chương trình đặc biệt. |
Tham gia lại | Có thể tham gia lại. |
4. Người hướng dẫn trại hè
Camp Counselor làm cố vấn tại các trại hè ở Hoa Kỳ
Camp Counselor (người hướng dẫn trại hè) là những người chịu trách nhiệm giám sát và hướng dẫn các hoạt động của trẻ em tại các trại hè.
Bảng 5: Người hướng dẫn trại hè
Tiêu chí | Mô tả |
Điều kiện chuyến đi | Làm cố vấn tại các trại hè ở Hoa Kỳ với tối thiểu 18 tuổi. |
Vị trí công tác tại quốc gia gốc | Nhân viên công tác thanh thiếu niên chính thức, sinh viên, giáo viên hoặc cá nhân có kỹ năng chuyên môn. |
Thời gian tạm trú | 4 tháng. |
Tham gia lại | Có thể tham gia lại. |
5. Người giữ trẻ
Au Pair cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ em tại nhà
Người giữ trẻ (Au Pair) là chương trình trao đổi văn hóa, nơi người trẻ (thường là sinh viên) sống với một gia đình ở nước ngoài, giúp chăm sóc trẻ em và làm một số công việc nhà nhẹ, đổi lại họ nhận chỗ ở, ăn uống và tiền chi tiêu.
Bảng 6: Nhóm đối tượng người giữ trẻ
Tiêu chí | Mô tả |
Điều kiện chuyến đi | Cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ em cho các gia đình chủ nhà và tham gia vào các khóa học tại một cơ sở giáo dục sau trung học được công nhận tại Hoa Kỳ. Để tham gia, ứng viên được yêu cầu trong độ tuổi từ 18 đến 26 tuổi và thành công vượt qua cuộc điều tra lý lịch và hồ sơ tính cách. |
Vị trí công tác tại quốc gia gốc | Tốt nghiệp tối thiểu bằng trung học hoặc tương đương. |
Thời gian tạm trú | 12 tháng và có thể gia hạn thêm 6, 9, 12 tháng. |
Tham gia lại | Có thể tham gia lại sau 24 tháng cư trú bên ngoài Hoa Kỳ. |
6. Giáo viên
Giáo viên xin visa J1 để giảng dạy và trải nghiệm văn hóa Mỹ
Nhóm đối tượng Teacher (Giáo viên) xin visa J1 đến Hoa Kỳ để giảng dạy tại các trường học và trải nghiệm văn hóa, phong tục của nước này.
Bảng 7: Nhóm giáo viên
Tiêu chí | Mô tả |
Điều kiện chuyến đi | Giáo viên phải làm việc toàn thời gian tại một trường được công nhận từ mẫu giáo đến trung học phổ thông (K-12) với tối thiểu 2 năm kinh nghiệm giảng dạy trong vòng 8 năm qua. Ngoài ra, giáo viên này đã hoặc sẽ hoàn thành bằng cao học trong vòng 12 tháng tới từ thời điểm nộp đơn xin visa và thỏa mãn các điều kiện giảng dạy của bang nơi họ sẽ làm việc ở Hoa Kỳ. |
Vị trí công tác tại quốc gia gốc | Giáo viên hiện tại hoặc đã có ít nhất hai năm kinh nghiệm giảng dạy toàn thời gian trong vòng 8 năm qua và đã hoặc sẽ hoàn thành bằng cao học trong vòng 12 tháng tới từ thời điểm nộp đơn xin visa. |
Thời gian tạm trú | Tối đa là 3 năm, có thể gia hạn thêm 1 hoặc 2. |
Tham gia lại | Có thể tham gia lại sau 24 tháng cư trú bên ngoài Hoa Kỳ. |
7. Học giả ngắn hạn
Chương trình học giả ngắn hạn do Bộ Ngoại giao quản lý
Học giả ngắn hạn hay “Short-Term Scholar” là một chương trình trao đổi học thuật ngắn hạn do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ quản lý theo diện visa J1. Chương trình này không yêu cầu người tham gia phải có cam kết lâu dài và cho phép linh hoạt quay lại tham gia các hoạt động tương tự trong tương lai mà không có thời gian chờ.
Bảng 8: Nhóm đối tượng học giả ngắn hạn
Tiêu chí | Mô tả |
Điều kiện chuyến đi | Thăm ngắn hạn tại Mỹ để giảng dạy, quan sát, tư vấn, đào tạo hoặc biểu diễn kỹ năng đặc biệt tại các viện nghiên cứu, bảo tàng, thư viện hoặc cơ sở giáo dục sau đại học. |
Vị trí công tác tại quốc gia gốc | Là một giáo sư, nhà nghiên cứu, học viên sau tiến sĩ hoặc trước tiến sĩ, sinh viên sau đại học hoặc tương tự (Bác sĩ, luật sư, v.v.). |
Thời gian tạm trú | 1 ngày – 6 tháng. |
Tham gia lại | Có thể tham gia lại mà không yêu cầu thời gian chờ. |
8. Giáo sư & nhà nghiên cứu
Professor & Research Scholar là hai vai trò học thuật phổ biến
Giáo sư (Professor) & nhà nghiên cứu (Research Scholar) là hai vai trò học thuật phổ biến, đặc biệt trong các chương trình trao đổi học thuật như visa J-1 ở Hoa Kỳ.
Bảng 9: Nhóm giáo sư & nhà nghiên cứu
Tiêu chí | Mô tả |
Điều kiện chuyến đi | Nghiên cứu, giám sát hoặc tư vấn trong một dự án nghiên cứu. Không ở Hoa Kỳ trong vòng 12 tháng trước ngày bắt đầu đến Hoa Kỳ với visa J1, trừ trường hợp được miễn trừ theo quy định. |
Vị trí công tác tại quốc gia gốc | Giáo sư, nhà nghiên cứu, học viên sau tiến sĩ hoặc trước tiến sĩ, bác sĩ, luật sư,… |
Thời gian tạm trú | 3 tuần – 5 năm. |
Tham gia lại | Có thể tham gia lại sau khi cư trú 24 tháng ngoài Hoa Kỳ. |
9. Bác sĩ nước ngoài
Visa J1 dành cho bác sĩ tham gia đào tạo y khoa tại Hoa Kỳ
Alien Physician là thuật ngữ dùng để chỉ những bác sĩ nước ngoài không phải là công dân Hoa Kỳ, đang tham gia vào một chương trình y tế hoặc đào tạo y khoa tại Hoa Kỳ.
Bảng 10: Nhóm bác sĩ người nước ngoài
Tiêu chí | Mô tả |
Điều kiện chuyến đi | Tham gia thuyết giảng tại đại học, quan sát hoặc tư vấn. |
Vị trí công tác tại quốc gia gốc | Sinh viên y khoa sau đại học đã hoàn thành đủ chương trình đào tạo ban đầu. |
Thời gian tạm trú | Tối đa 7 năm. |
Tham gia lại | Thời gian tham gia lại không quá 1 năm. |
10. Chuyên gia
Specialist có trình độ chuyên môn cao trong một lĩnh vực cụ thể
Trong chương trình visa J1, thuật ngữ “Specialist” (Chuyên gia) được sử dụng để chỉ những cá nhân có trình độ chuyên môn cao trong một lĩnh vực cụ thể, đến Mỹ để tham gia các hoạt động trao đổi, nghiên cứu hoặc thực tập.
Bảng 11: Nhóm chuyên gia
Tiêu chí | Mô tả |
Điều kiện chuyến đi | (1) Là chuyên gia trong một lĩnh vực kiến thức/kỹ năng đặc biệt; (2) Đến Hoa Kỳ để giám sát, tư vấn hoặc thể hiện kỹ năng chuyên môn; và (3) Không đảm nhận vị trí dài hạn/cố định tại Hoa Kỳ. |
Vị trí công tác tại quốc gia gốc | Được công nhận là chuyên gia trong lĩnh vực kiến thức hoặc kỹ năng chuyên môn. |
Thời gian tạm trú | 3 tuần – 12 tháng. |
Tham gia lại | Có thể tham gia lại mà không yêu cầu thời gian chờ. |
Điều kiện xin cấp Visa J1 là gì?
Để đủ điều kiện xin visa J1, ngoài các yêu cầu riêng cho từng nhóm đối tượng đã nêu, bạn cần phải đáp ứng một số điều kiện chung dưới đây.
Bảng 12: Điều kiện chung xin cấp Visa J1 Mỹ
Điều Kiện | Chi Tiết |
Hồ sơ | Phải có hồ sơ phù hợp với yêu cầu của chương trình tương ứng. |
Tài chính | Cần đủ tài chính để tự trang trải cho chuyến đi đến Mỹ. |
Nguồn tài trợ | Cần duy trì ít nhất 50% kinh phí đến từ nhà tài trợ được công nhận, không phải từ tài chính cá nhân hoặc gia đình. |
Trình độ tiếng Anh | Phải đạt điểm tiếng Anh yêu cầu của trường đại học hoặc cao đẳng mà bạn muốn theo học. |
Duy trì bảo hiểm | Cả bạn và những người phụ thuộc phải có bảo hiểm y tế hợp lệ đáp ứng các tiêu chuẩn tối thiểu do trường đại học hoặc nơi công tác của bạn quy định. |
Thông tin định hướng | Nhà tài trợ phải cung cấp thông tin cần thiết về chương trình và tổ chức buổi định hướng cho bạn và người phụ thuộc. |
Tuân thủ quy định visa J1 | Cần đảm bảo tuân thủ mọi quy định của loại visa này để duy trì tình trạng hợp lệ cho visa J1 của mình. Người bảo trợ của bạn cũng có trách nhiệm hỗ trợ và cung cấp một số điện thoại khẩn cấp để bạn có thể liên hệ 24/7 nếu có vấn đề cần giúp đỡ. |
Trở về quốc gia gốc | Đối với một số chương trình, sau khi hoàn thành chương trình, bạn phải trở về đất nước của mình và sống ít nhất 24 tháng. |
Toàn thời gian | Phải học hoặc làm việc toàn thời gian trong thời gian tạm trú tùy theo chương trình tham gia. |
Hạn chế công việc | Sinh viên được phép làm việc tối đa 20 giờ mỗi tuần (trong năm học) trong khuôn viên trường và có thể làm việc toàn thời gian vào kỳ nghỉ. Để làm việc ngoài trường, bạn cần được sự chấp thuận của nhà tài trợ và trường đại học, đảm bảo tuân thủ quy định visa J-1. |
Cập nhật địa chỉ | Phải thông báo cho đơn vị bảo lãnh và trường đại học về thay đổi địa chỉ trong vòng 10 ngày. |
Hồ sơ xin visa J1 Mỹ
Hồ sơ xin visa J1 Mỹ gồm những loại giấy tờ nào?
Để xin visa J1 đi Mỹ, cần chuẩn bị các loại giấy tờ sau:
- Hộ chiếu còn hiệu lực ít nhất 6 tháng tính từ ngày rời khỏi nước Mỹ sau khi chương trình kết thúc.
- Điền đầy đủ thông tin và nộp đơn xin visa không định cư DS-160 tại https://ceac.state.gov/genniv/ và lưu lại mẫu đơn này. Mỗi người, kể cả trẻ em, đều cần có một đơn riêng.
- Đơn DS-2019 bản gốc từ nhà tài trợ chương trình giao lưu văn hóa.
- Đơn DS-7002 gốc dành cho sinh viên tham gia các chương trình thực tập.
- 2 ảnh thẻ kích thước 5x5cm, nền trắng, không đeo kính, chụp trong vòng 6 tháng trở lại đây. 1 ảnh để tải lên đơn đăng ký trực tuyến DS-160, 1 ảnh thẻ cùng kích thước mang theo khi phỏng vấn với lãnh sự quán.
- Sổ hộ khẩu, sơ yếu lý lịch, căn cước công dân photo công chứng.
- Bản sao giấy xác nhận tình trạng hôn nhân công chứng (nếu có).
- Biên lai thanh toán các chi phí cho lãnh sự quán trong quá trình xin visa.
- Giấy hẹn phỏng vấn lãnh sự.
- Giấy tờ chứng minh năng lực tài chính phục vụ cho chuyến đi hoặc chứng minh quan hệ gia đình/công ty nếu được hỗ trợ chi trả các khoản chi phí.
- Thư mời từ các trường đối tác/đơn vị tài trợ, tổ chức chương trình.
Quy trình xin visa Mỹ J1
Quy trình xin visa Mỹ J1 bao gồm 6 bước
Thủ tục xin visa Mỹ diện J1 gồm các bước sau:
Bước 1: Đăng ký mẫu DS-2019 hoặc DS-7002
Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, thực hiện đăng ký mẫu DS-2019 hoặc DS-7002.
- Mẫu DS-2019: Bất kỳ ai muốn xin visa J-1 để tham gia một chương trình trao đổi tại Mỹ đều cần có mẫu đơn này để chứng minh bản thân đã được một tổ chức tài trợ tại Mỹ chấp nhận vào một chương trình trao đổi hợp pháp.
- Mẫu DS-7002: Là một kế hoạch chi tiết chương trình thực tập/đào tạo để chứng minh rằng chương trình bạn tham gia mang tính chất học thuật.
Ví dụ:
- Chuyên gia tham gia các chương trình trao đổi hoặc nghiên cứu cần DS-2019.
- Sinh viên muốn đi thực tập tại một công ty ở Mỹ cần cả DS-2019 và DS-7002.
Bước 2: Hoàn thành đơn DS-160
Truy cập https://ceac.state.gov/genniv/ và hoàn tất mẫu đơn xin visa không định cư DS-160 trực tuyến.
Bước 3: Thanh toán chi phí
Trên trang web https://ceac.state.gov/genniv/, chọn “Đặt lịch hẹn”, nhập thông tin cần thiết và chọn phương thức thanh toán. In phiếu nộp tiền và đến bưu điện để đóng phí, giữ lại biên lai để đặt lịch phỏng vấn.
Bước 4: Đặt lịch phỏng vấn
Thông thường, bạn có thể đặt lịch hẹn bắt đầu từ 11h sáng của ngày làm việc kế tiếp. Để đặt lịch hẹn, bạn cần chuẩn bị đầy đủ thông tin cá nhân như số hộ chiếu, số biên nhận thanh toán và mã vạch 10 ký tự từ đơn DS-160.
Đặt lịch hẹn để được sắp xếp tham gia phỏng vấn
Bước 5: Phỏng vấn lãnh sự
Đến đúng hẹn tại Lãnh sự quán với thư mời phỏng vấn, mẫu xác nhận đơn DS-160, hộ chiếu, ảnh thẻ và một số giấy tờ khác theo yêu cầu. Tại buổi phỏng vấn, viên chức lãnh sự sẽ hỏi bạn các câu hỏi liên quan đến mục đích đi Mỹ, chẳng hạn như lý do đến Mỹ, nguồn tài trợ, kế hoạch tại Mỹ và dự định sau khi kết thúc chương trình. Tùy vào trường hợp cụ thể, thời gian xét duyệt hồ sơ có thể mất đến 6 tuần.
Bước 6: Nhận visa Mỹ J1
Khi hồ sơ được chấp thuận, bạn sẽ nhận được visa J1 Mỹ. Sau đó, bạn chỉ chuẩn bị những thủ tục cần thiết như kiểm tra thông tin trên visa, đặt vé máy bay, liên hệ với nhà tài trợ để chuẩn bị chỗ ở,… và lên đường đến Mỹ.
Chi phí bộ hồ sơ visa J1 Mỹ
Dưới đây là bảng tổng hợp chi phí xin visa J-1 cho chương trình ngắn hạn và dài hạn:
Bảng 13: Chi phí cho bộ hồ sơ visa J1 Mỹ
Loại chi phí | Mục đích của chi phí | Chương trình ngắn hạn (khoảng 6 tháng) | Chương trình dài hạn (12 – 18 tháng) |
Phí tài trợ | Xử lý hồ sơ, bảo hiểm y tế, hỗ trợ trong thời gian chương trình | $1,000 – $3,000 USD | $3,000 – $6,000 USD |
Phí SEVIS | Đăng ký thông tin người sở hữu visa J1 vào hệ thống trao đổi khách của Chính phủ Hoa Kỳ | $220 USD | |
Phí xin visa | Đơn xin visa tại Đại sứ quán/Lãnh sự quán Mỹ | $160 USD | |
Phí bảo hiểm y tế | Đảm bảo sức khỏe trong thời gian tham gia chương trình | $300 – $900 USD | $600 – $2,700 USD |
Phí xử lý nhanh (nếu có) | Đẩy nhanh quá trình xử lý đơn DS-2019 trong vòng 3 – 4 ngày làm việc | $500 – $1,000 USD | $500 – $1,000 USD |
Tổng chi phí ước tính | $2,180 – $5,280 USD | $4,480 – $10,080 USD |
Lưu ý khi xin visa Mỹ J1
Để quá trình xin visa J1 diễn ra thuận lợi, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau:
Trình độ tiếng Anh
Dù không yêu cầu chứng chỉ tiếng Anh, bạn cần có khả năng giao tiếp cơ bản để phỏng vấn visa thành công và hòa nhập nhanh chóng tại Mỹ. Rèn luyện tiếng Anh từ bây giờ để có trải nghiệm tốt hơn.
Phỏng vấn xin visa
Sau khi hoàn thành mẫu đơn, bạn cần nhanh chóng đặt lịch hẹn với Đại sứ quán hoặc Lãnh sự quán để tham gia phỏng vấn xin visa. Thời gian chờ để đặt lịch phỏng vấn sẽ phụ thuộc vào số lượng hồ sơ tiếp nhận và địa điểm tiếp nhận hồ sơ.
Trong buổi phỏng vấn, bạn có thể sẽ cần giải đáp những câu hỏi như sau:
- Tại sao bạn lại chọn tham gia chương trình này?
- Ai sẽ chi trả chi phí cho bạn khi tham gia chương trình này?
- Kế hoạch của bạn sau chương trình trao đổi là gì?
- Mục tiêu nghề nghiệp của bạn trong vài năm tới là gì?
Cần chuẩn bị câu trả lời và thực hành phỏng vấn tại nhà
Kinh nghiệm phỏng vấn visa J1
Để tăng cơ hội phỏng vấn thành công, bạn cần duy trì tâm thế tự tin, mặc trang phục lịch sự và thể hiện thái độ tích cực. Nên chuẩn bị kỹ lưỡng về chương trình và tổ chức tài trợ, cũng như thực hành trả lời các câu hỏi kể trên.
Đảm bảo mang theo tất cả tài liệu cần thiết, như mẫu DS-2019 và biên lai thanh toán các khoản chi phí. Cuối cùng, hãy thể hiện cam kết trở về nước sau khi hoàn tất chương trình để tạo ấn tượng tốt với viên chức lãnh sự.
Thời hạn của visa
Thời gian ở lại Mỹ trung bình từ 1 đến 3 năm, tùy thuộc vào chương trình. Một số chương trình có thời hạn lên đến 7 năm. Người tham gia chương trình trao đổi sẽ có thêm 30 ngày sau khi visa hết hạn để thu xếp về nước.
Gia hạn visa
Bạn có quyền nộp đơn xin gia hạn visa J-1 nếu chương trình của bạn kéo dài hơn kế hoạch ban đầu. Trường học, công ty hoặc tổ chức bảo trợ của bạn sẽ chịu trách nhiệm yêu cầu gia hạn cho chương trình, với thời hạn tối đa là 3 năm. Để thực hiện gia hạn, bạn cần điền vào mẫu đơn DS-2019 mới và chỉ rõ thời gian cần gia hạn.
Nếu muốn gia hạn quá thời hạn tối đa, tổ chức thực hiện chương trình phải gửi yêu cầu đến Bộ Ngoại giao, giải thích lý do và hỗ trợ bạn hoàn tất thủ tục gia hạn visa J1. Đối với việc gia hạn này, bạn hoặc nhà tài trợ của bạn sẽ phải thanh toán khoản phí là 367 USD.
Nhiều trường hợp visa J1 có thể gia hạn
Những câu hỏi thường gặp
Dưới đây là một số câu hỏi liên quan đến chương trình giao lưu văn hóa Mỹ với visa J1:
1. Tôi có thể làm thêm với Visa J1 giao lưu văn hóa Mỹ không?
Bạn hoàn toàn có thể làm thêm tại Mỹ với visa J1! Tuy nhiên, cần phải tuân thủ một số quy định. Đầu tiên trong thời gian năm học, bạn chỉ được làm việc bán thời gian trong khuôn viên trường tối đa 20 giờ mỗi tuần. Vào các kỳ nghỉ, bạn có thể làm việc tự do.
2. Điểm khác biệt giữa visa J1 với F1 là gì?
Cùng điểm qua những điểm khác biệt của visa J1 và visa F1 dựa trên bảng dưới đây nhé!
Bảng 14: Phân biệt visa J1 và F1
Tiêu chí | Visa J-1 | Visa F-1 |
Mục đích | Giao lưu văn hóa Mỹ, nghiên cứu, giảng dạy hay thực tập. | Học tập toàn thời gian tại trường đại học hoặc cao đẳng ở Mỹ. |
Đối tượng áp dụng | Sinh viên, giáo viên, nhà nghiên cứu, thực tập sinh và một số nhóm đối tượng khác. | Sinh viên quốc tế theo học các chương trình học chính quy. |
Thời gian lưu trú | Tùy thuộc vào chương trình, thường từ 1 đến 3 năm. | Tùy thuộc vào chương trình học, nhưng thường là từ 2 đến 4 năm. |
Yêu cầu trở về quốc gia gốc | Nghĩa vụ quay trở lại nước nhà trong vòng 2 năm sau khi kết thúc chương trình. | Không có yêu cầu này. |
Quyền làm việc | Có thể làm việc theo chương trình tài trợ, tuy nhiên có một số hạn chế. | Có thể làm việc part-time trong khuôn viên trường hoặc có thể xin làm trong các lĩnh vực liên quan đến ngành học. |
Yêu cầu về bảo hiểm y tế | Bắt buộc phải có bảo hiểm y tế theo yêu cầu của Bộ Ngoại giao Mỹ. | Không bắt buộc, nên có để bảo vệ sức khỏe. |
Gia hạn visa | Có thể nộp đơn gia hạn visa với yêu cầu từ đơn vị bảo trợ. | Có thể gia hạn visa bằng cách chứng minh việc tiếp tục học tập. |
Kết luận
Trên đây là toàn bộ thông tin liên quan đến chương trình giao lưu văn hoá Mỹ với visa J1 từ khái niệm, quyền lợi, đối tượng, hồ sơ cần thiết, quy trình xin visa và hơn thế nữa. Di Trú IMS rất vinh dự khi bài viết có thể mang đến cho bạn những thông tin hữu ích. Chúc bạn thành công trong việc đến Mỹ tham gia các chương trình giao lưu văn hóa với visa J1.